Bài tuyên truyền phòng bệnh giao mùa

Tháng Tư 3, 2021 2:39 chiều

PGD&ĐT HUYỆN NAM TRỰC                        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG MN BÌNH MINH                                               Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                              Bình Minh, ngày 30 tháng 3 năm 2021

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH LÚC GIAO MÙA

Kính thưa các đồng chí cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng toàn thể các bậc phụ huynh và các con học sinh yêu quý!

 Ở nước ta nói chung và miền bắc nói riêng vào thời gian cuối xuân sang đầu hạ, thời tiết tuy nắng ấm nhưng thỉnh thoảng có những đợt gió mùa đông bắc làm tiết trời đang ấm áp trở lạnh như mùa đông. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các bệnh phát sinh, phát triển và có thể gây thành dịch.

  1. Bệnh về đường hô hấp:

– Niêm mạc đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Khi hít thở không khí lạnh, niêm mạc hô hấp phản ứng lại bằng sự xung huyết, phù nề và tăng tiết dịch. Phản ứng còn xảy ra khi bị nhiễm lạnh ở những vùng ngoài bộ máy hô hấp như cổ, ngực, vùng lưng, bàn chân, đặc biệt là gan bàn chân. Sự phù nề và xung huyết đường hô hấp kéo dài sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại vi sinh gây bệnh phát triển, tạo nên đợt bùng phát các bệnh mạn tính của đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen phế quản, bệnh viêm phế quản… nguy cơ quan trọng hơn là các bệnh cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu… phát triển.

Các bệnh này lây lan theo đường hô hấp qua các hạt nước bọt của người bệnh bắn ra khi nói chuyện hay ho khạc, làm người lành hít phải

  1. Bệnh về đường tiêu hóa: 

Hiện nay tình trạng thời tiết diễn biến phức tạp rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm  phát sinh và phát triển các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết… và đặc biệt là bệnh vi rút cororona rất đang phổ biến

   Mùa xuân chuyển sang hè cũng là thời kỳ thích hợp cho ruồi nhặng phát triển. Ruồi nhặng hay đậu vào những nơi ô nhiễm như phân, rác, xác súc vật chết, rồi đậu vào bát đĩa, thức ăn, đồ uống của người. Chân ruồi có nhiều lông, là chỗ chứa các vi khuẩn, virut gây bệnh, chúng reo rắc các mầm bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, viêm ruột, bệnh có thể lây lan thành dịch. Bệnh nhân có những biểu hiện đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước, nôn oẹ. Có trường hợp bị mất nước và chất điện giải, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

  1. Những biện pháp phòng chống

– Trong các đợt rét, mọi người cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 gan bàn chân. Chú ý giữ ấm về ban đêm, lúc đi ngủ. Đặc biệt phải giữ ấm cho các cụ già, trẻ em và trẻ sơ sinh.

– Đối với các bệnh gây thành dịch: Phải chú ý tiêm vắc-xin phòng dịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Khi có dịch phải thông báo ngay cho cơ quan y tế cấp trên. Khẩn trương cách ly người bệnh, bao vây dập tắt ổ dịch. Mọi người trong vùng có nguy cơ lây nhiễm theo đường hô hấp phải đeo khẩu trang, nhỏ thuốc sát trùng mũi, có dịch cúm thì tiêm vắc-xin phòng cúm, hạn chế các cuộc hội họp, tụ tập đông người. Nếu có bệnh dịch sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản phải chú ý diệt muỗi, nằm màn, diệt bọ gậy ở chum, vại, bồn, chậu chứa nước, khai thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi chúng ta cần có ý thức chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh. Đối với bệnh lây qua đường máu như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, cần vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại trừ các ổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, thực hiện nằm màn. Đối với bệnh lây theo đường hô hấp như cúm, rubela… cần đeo khẩu trang phòng hộ khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

 -Trong nhà trường:

 Tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tốt các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Là cầu nối giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng về phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, về dịch tả lợn Châu Phi, không  giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nghi bị bệnh, thịt lợn bệnh.

  Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm phục vụ ăn bán trú. Yêu cầu các nhà cung cấp thực phẩm thực hiện nghiêm túc hợp đồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều chỉnh thực đơn trong tuần, sử dụng các loại thực phẩm đa dạng, phong phú đảm bảo lượng và chất trong bữa ăn cho trẻ, thực hiệ nghiêm túc quy định về lưu mẫu thức ăn.

 Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Phát quang bụi rậm, xử lý rác thải phế liệu, phun thuốc diệt khuẩn, côn trùng trong khuôn viên nhà trường. Chúng ta cần tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh, đồng thời, thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng như:

 + Ăn chín, uống sôi, chọn mua thực phẩm tươi sạch;

 + Không để thức ăn sống, chín lẫn nhau;

 + Ăn ngay sau khi nấu xong (tốt nhất là 2 giờ đầu);

 + Đun chín kỹ các loại thức ăn khi sử dụng lại;

 + Không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng;

 + Thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh;

 + Rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Các nhóm lớp: Thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi và sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng đồ chơi hàng ngày, hàng tuần cho sạch sẽ.

 

  Trên đây là cách phòng tránh một số bệnh thường gặp khi thời tiêt giao mùa, kính mong các đồng chí cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường thường xuyên gặp gỡ trao đổi với các bậc phụ huynh và quan tâm tới các cháu trong lớp để chủ động phòng tránh một số bệnh thường gặp lúc giao mùa được tốt.

                                                                                      Người viết tuyên truyền

 

 

                                                                                            Nguyễn Thị Nhàn